Thứ năm, 12/09/2019, 15:06 (GMT+7)
Nhằm tăng cường sự phát triển và hội nhập trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của Nhà trường nói chung và nhóm ngành Khoa học sức khỏe nói riêng, sáng ngày 07/12/2019 khoa Y - Dược Trường Đại học Thành Đông đã tổ chức Hội thảo khoa học lần thứ I.
Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Lê Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đông; GS.TSKH. Phùng Đắc Cam - Phó Hiệu trưởng, Trưởng khoa Y - Dược; TS. Nguyễn Thị Hoa Lý - phó Hiệu trưởng. Cùng dự có các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực Y, Dược; Ban chủ nhiệm khoa, lãnh đạo các phòng chức năng cùng các giảng viên và đại diện sinh viên khoa Y - Dược của Nhà trường.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TSKH Phùng Đắc Cam đã nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của Hội thảo trong lĩnh vực đào tạo đối với sinh viên của Khoa Y - Dược trong bối cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Các kết quả khoa học được trình bày tại Hội thảo sẽ mở ra hướng tiếp cận mới cho sinh viên trong việc học tập và nghiên cứu ứng dụng trong thực tiễn đồng thời là cơ sở quan trọng trong việc rà soát chương trình đào tạo nhóm ngành Khoa học sức khỏe nhằm đảm đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra.
Tại buổi hội thảo, PGS.TS Hoàng Thu Hà - trưởng khoa vi khuẩn Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã trình bày báo cáo về: “An toàn sinh học trong phòng thí nghiệm và An ninh sinh học”. Báo cáo đã nêu bật vai trò của An toàn sinh học (ATSH) và An ninh sinh học (ANSH) trong sản xuất và kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế. PGS.TS. Hoàng Thu Hà nhấn mạnh: Mục đích chính của bất kỳ hoạt động nào liên quan đến ATSH là ngăn ngừa các tác nhân sinh học có nguy cơ lây nhiễm cao. Báo cáo cũng chỉ ra các lĩnh vực cần quan tâm trong bối cảnh hiện nay đó là các Dự án về ATSH và ANSH, Đào tạo thực hành tốt và Chẩn đoán sinh học phân tử giám sát.
Cũng trong buổi hội thảo, TS. BS Vương Tuấn Anh - đại diện của BMJ tại Việt Nam đã trình bày sáng kiến “Hỗ trợ Quyết định Lâm sàng dựa trên chứng cứ & Đào tạo Y khoa Liên tục để cải thiện chất lượng trong quản lý, điều trị và dự phòng bệnh tại Việt Nam”. Sáng kiến cung cấp cho các BS lâm sàng, NVYT, bệnh nhân và cộng đồng kiến thức và thông tin cụ thể được lọc một cách thông minh và trình bày vào thời điểm thích hợp để tăng cường sức khỏe và việc chăm sóc sức khỏe. Sáng kiến cũng đã tác động đến bối cảnh giáo dục y khoa hiện đại thông qua việc sử dụng các tài nguyên trực tuyến, cập nhật, dựa trên bằng chứng BMJ thực hành tốt nhất và BMJ Learning có theo dõi CME/CPD để cải thiện phát hiện, chẩn đoán và quản lý các bệnh truyền nhiễm và xây dựng nhân lực y tế quốc gia sẵn sàng ứng phó với các đại dịch.
Cũng tại Hội thảo, TS.BS. Phạm Đức Phúc - Điều phối viên trưởng hệ thống đào tạo một sức khỏe của các trường Đại học Việt Nam đã báo cáo chủ đề đề “Đào tạo & phát triển nguồn nhân lực của mạng lưới các trường Đại học Việt Nam”. Báo cáo tập trung chủ yếu tới vấn đề Một sức khỏe (MSK), đó là nỗ lực hợp tác của nhiều lĩnh vực cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu để đạt được sức khỏe tối ưu cho con người, động vật và môi trường. Mạng lưới MSK được trải rộng khắp thế giới, tiếp cận bằng cách tích hợp để kêu gọi hợp tác liên ngành và đa ngành bao gồm y tế, thú y, khoa học môi trường,… để giải quyết bệnh tật và các vấn đề sức khỏe liên quan giữa con người, động vật sinh sống trong hệ sinh thái. Báo cáo đã nhấn mạnh các thách thức lớn đòi hỏi cách tiếp cận Một sức khỏe (MSK), mạng lưới MSK các Trường Đại học Việt Nam và quá trình phát triển và giảng dạy MKS hiện nay. Các môn học MSK sẽ là lựa chọn để các Trường đại học xem xét một cách phù hợp để đưa vào chương trình giảng dạy trong thời gian tới.
Các báo cáo tại Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm và đánh giá cao của nhiều nhà khoa học, cán bộ giảng viên và sinh viên.